Thursday, July 9, 2009
Các chiến đoàn Sở Liên lạc (SLL) thuộc Nha Kỹ thuật QL.VNCH tại mặt trận Cao nguyên đầu năm 1971
Trong loạt bài viết về các đơn vị đặc nhiệm, VB đã lược trình hoạt động của các biệt đội đặc nhiệm thuộc Nha Kỹ thuật-cơ quan tình báo chiến lược của QL.VNCH trong thời gian từ 1970-1974. Theo tổ chức, Sở Liên lạc/ Nha Kỹ thuật gồm có 3 chiến đoàn được phối trí như sau: Chiến đoàn 1 đóng tại Đà Nẵng, Chiến đoàn 2 đóng tại Kontum, Chiến đoàn 3 đóng tại Ban Mê Thuột. Các toán, các đại đội của mỗi chiến đoàn được huấn luyện để thực hiện các cuộc hành quân xâm nhập bằng không vận hoặc bằng đường bộ vào các cứ địa, mật khu của CSBV từ phía Nam vĩ tuyến 17 trở vào.
Tại chiến trường Tây Nguyên, trong năm 1971, tại Quân đoàn 2/Quân khu 2 (từ tháng 8/1970, các Vùng chiến thuật được cải danh thành Quân khu), vị tư lệnh lúc bấy giờ trung tướng Ngô Du đã liên lục cho mở các cuộc hành quân quy mô tấn công vào các mật khu của CSVN, giải tỏa áp lực địch ở biên giới. Cũng cần nói thêm rằng trước năm 1971, từ tháng 8/1970 đến tháng 12/1970, các đơn vị Dân sự chiến đấu tại 12 căn cứ biên phòng (Polei Kleng, Plei Mrong, Tieu Atar, Trang Phuc, Plei Djereng, Đức Cơ, Pleime, Bu Prang, Dak Pek, Dak Seang, Ben Het, Đức Lập đã được cải tuyển sang binh chủng Biệt động quân để thành lập các tiểu đoàn Biệt động quân Biên phòng: 62, 63, 71, 72, 80, 81, 82, 88, 89, 90, 95, 96, tất cả các đơn vị này trực thuộc quyền chỉ huy của bộ Chỉ huy Biệt động quân Quân khu 2.
Trong phạm vi và trách nhiệm của hai chiến đoàn của Sở Liên Lạc, từ tháng 1/1971, các đơn vị của Chiến đoàn 2 và Chiến đoàn 3 đã liên tục tung các đại đội xung kích xâm nhập vào những khu vực được ghi nhận là có các căn cứ hậu cần của địch. Ngay từ đầu năm 1971, tại vùng hoạt động của chiến đoàn 3, đại đội A được lệnh tấn kích một căn cứ của CQ thuộc khu vực F.701. Sau đây là diễn tiến cuộc hành quân này được ghi lại dựa theo hồi ký của vị sĩ quan đại đội trưởng (không nêu tên) phổ biến trong tạp chí KBC.
* Cuộc tấn kích căn cứ CSBV của 1 đại đội cảm tử quân thuộc Chiến đoàn 3 Xung kích/Sở Liên lạc/Nha Kỹ thuật vào đầu năm 1971
Cuộc hành quân được khởi động vào thời gian mà vị đại đội trưởng (tạm gọi là đại đội trưởng A) vừa thuyên chuyển về chiến đoàn. Mục tiêu là căn cứ tồn trử vũ khí, một bệnh viện lớn chứa hơn 100 binh lính thuộc khu vực F.071 của CSBV. Để chuẩn bị cuộc hành quân này, đại đội trưởng A phải bay không thám nhiều lần trong vùng hành quân. Ngoài việc chọn bãi thả, bãi đáp, còn phải có các yếu tố như cây cỏ, núi đồi, sông ngòi. Thậm chí phải biết hướng nước chảy, lưu lượng, độ dốc, độ sâu...
Khi đã có đủ yếu tố cần thiết, đại đội trưởng A lập sa bàn thuyết trình hành quân. Các trung đội trưởng cũng bay không thám nhiều lần trên các mục tiêu hầu có thể giúp đại đội trưởng khi cần thiết, sau cùng cho đại đội thực tập hành quân trên một địa thế tương đối giống như mục tiêu, đặc biệt là cách lên xuống trực thăng nhanh mà không loạn.
Theo kế hoạch, cứ mỗi toán 6 người, theo thứ tự từng trung đội sẽ được không vận xuống bãi đáp, thế nhưng, do chiến đoàn xung kích chỉ có 9 trực thăng H34 (còn gọi là King Bee) của Không quân VNCH biệt phái, trong khi tổng số đại đội là 144 người, đại đội trưởng A cần đến 24 chiếc để di chuyển quân. Đại đội trưởng A đưa chuyện ra bàn bạc với đại úy Nhơn, trưởng toán King Bee. Đại úy Nhơn cười: Chúng ta có sử dụng hết trực thăng của chiến đoàn cũng không đủ.
Sau cùng, chiến đoàn quyết định sử dụng Chinnok, 4 chiếc chở quân chính thức, 8 chiếc King Bee lượn nghi binh, 4 chiếc H U 1B lượn cấp cứu, 4 HU 1B võ trang, cùng với 4 Cobra yểm trợ. Trừ H34 thuộc 1 phi đoàn của Không quân VNCH, các phi cơ còn lại thuộc một đơn vị của Không lực Hoa Kỳ. Ngoài ra còn có 4 F 5 luôn luôn không thám trên không phận, cộng với 4 oanh tạc cơ VN nằm tại phi trường Pleiku sẵn sàng cất cánh khi đại đội trưởng A yêu cầu.
Đại úy Nhơn thường xuyên cùng đại đội trưởng A bàn thảo về Không quân. Anh chỉ cho đại đội trưởng A biết thời gian hoạt động trên không, vận tốc bom, đạn, khả dụng của từng loại một. Vấn đề này rất cần thiết với đại đội A trong cuộc hành quân này. Để phối hợp với Không quân, đại đội trưởng A phải tính toán làm sao để lúc nào cũng có phi cơ trên đầu đại đội A. Có nghĩa là loại đánh phá bao lâu (tính bằng phút) sẽ rút thì loại khác phải thay thế liền. Cứ như vậy mà thay phiên nhau xa luân chiến theo thời gian và lời yêu cầu của cấp chỉ huy trên trận địa.
8 giờ sáng ngày N, đại đội A sẵn sàng ở phi trường Phụng Dực (gần Ban Mê Thuột). Đáng lẽ đại đội A rời phi trường lúc 9 giờ, nhưng vì thời tiết xấu nên mãi đến 11 giờ đại đội A mới được bốc. Thay vì đưa đại đội A đến căn cứ xuất phát ở trại Tiuata thì đại đội A được đưa thẳng đến mục tiêu. Do thời tiết xấu vã lại các loại trực thăng cần phải bay thấp để tránh sự quan sát cũng như phòng không của địch, còn phải lạng lách để nghi binh.
Khi đại đội trưởng A sắp xếp đội hình xong, lúc đó đã 1 giờ trưa. Đại đội A đã tiến thẳng về hướng Tây, với đội hình tam giác đi trước. Đại đội trưởng đi với trung đội 3. Trung đội 4 trừ bị sẵn sàng nhận lịnh của đại đội trưởng để thi hành bất cứ nhiệm vụ gì lúc cần.
Trên đường tiến quân, các tổ tiền sát báo cho đại đội trưởng biết họ không nhận được bất cứ một dấu vết gì chứng tỏ có địch hoạt động trong khu vực hành quân. Sau đó đại đội trưởng A nhận được báo cáo là “có một bộ xương nai, dấu mới làm thịt không quá ba ngày” và có “một con rắn lục” (đường mòn) đang sử dụng. Anh ra lệnh các toán không ai được vượt qua, phục tại chỗ, chờ đại đội trưởng A. Đại đội trưởng A cho mở cuộc phục kích chớp nhoáng, có cả mìn định hướng, đồng thời ra cho lệnh trung đội 4 chận hậu để đề phòng địch quân đánh úp từ phía sau, với khoảng cách từ 3 đến 500 mét.
Đại đội trưởng lại nhận được báo cáo là cách tổ tiền sát 50 mét có một con trăn lớn (đường xe chạy được) trâu bò (xe lớn) qua lại được, con đường rất mới. Được báo như thế, đại đội trưởng A ra lệnh: Quay về hướng đó. Phục tại chỗ. Tôi sẽ đến. Tránh ngộ nhận.
Đại đội trưởng A quyết định rút bớt 2 trung đội trong cuộc phục kích vừa rồi để phối hợp với trung đội 4 mở thêm một cuộc phục kích khác lớn hơn. Thế là đại đội A có hai cuộc phục kích mà hai tuyến đâu lưng lại với nhau. Bố trí phục kích xong thì đại đội trưởng A nghe có tiếng xe hơi “cà hự cà hự” càng lúc càng gần, mọi người hồi hộp chờ đợi. Tám chiếc xe Zin lần lượt chạy qua mặt đại đội A.
Tiếng nổ lớn, chiếc xe đầu bị hất tung cao khoảng 2 mét rồi lật úp trong làn bụi mịt mù. Trận đánh thật sự bắt đầu. Tiếng súng đủ loại, tiếng mìn nổ, tiếng la hét vang dậy cả một góc trời, bao quanh bởi núi và rừng. Cuối cùng địch quân bỏ chạy về hướng Tây, đại đội trưởng A cho lệnh truy kích bằng 2 trung đội 1 và 2. Trung đội 4 ở lại chận hậu, đồng thời thu dọn chiến trường.
Đơn vị truy kích do đại đội trưởng A chỉ huy, bất ngờ bị chận đứng lại bởi hai khẩu đại liên phòng không của địch bắn xối xả, tiện đứt những cành cây bằng cánh tay và cổ chân, ở cao độ từ 6 đến 10 mét, và cách đại đội trưởng A không quá 100 mét. Sau vài giây nhận định tình hình, đại đội trưởng A biết đây là loại phòng không đặt trên một cái dàn. Bên dưới nòng súng có một cái song ngang cản không cho nòng súng hạ xuống quá thấp (có lẽ không quá 45 độ). Đại đội trưởng A ra lệnh tấn công địch, sau 5 phút cầm cự, 2 ổ súng của CQ bị đại đội A bứng đi bằng các khẩu M 72 chống tăng.
Đại đội trưởng A chưa kịp nhìn thấy 2 khẩu súng này thì trung đội 2 báo cho biết, có khoảng 1 trung đội địch đang tiến vào vùng phục kích. Anh không hiểu tại sao toán địch này lại lọt vào ổ phục kích, chẳng lẽ địch không nghe súng nổ vừa rồi, mặc dù bị ngăn cách bởi núi rừng. Anh cho lệnh tấn công, đồng thời bốn Cobra tham chiến yểm trợ. (Ngay khi chạm địch, đại đội trưởng A đã báo ngay với trưởng toán Cobra nhưng yêu cầu ở ngoài, chỉ yểm trợ khi thật cần thiết. Nhưng với phi công Hoa Kỳ, đề nghị như vậy thì họ không thích, nên cứ cãi nhau). Vô tình đại đội trưởng A coi như bị “lưỡng đầu thọ địch”. Anh báo về Chiến đoàn và xin cho trực thăng lên để câu hai khẩu Đại liên phòng không về vì đại đội A không có khả năng mang nó theo suốt cuộc hành quân được. Tổng kết chiến lợi phẩm thu được: 2 đại liên, 24 vũ khí cá nhân đủ loại, 15 CQ bỏ xác tại trận địa. (Biên soạn dựa theo tài liệu của Trung tâm Quân sử Lục quân Hoa Kỳ, tạp chí KBC, Đặc san Liên đoàn 81 Biệt Cách Dù...)
VHA
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment